Chuẩn bị mang thai lần 3 cần những gì? Nguy cơ rủi ro như thế nào?
Chuẩn bị mang thai lần 3 cần những gì để cả mẹ và thai nhi đều phát triển khỏe mạnh, tránh được những rủi ro không mong muốn? Là những vấn đề các mẹ cần tìm hiểu rõ trước khi bắt đầu kế hoạch mang thai lần 3. Bởi “cửa sinh là cửa tử” luôn cần phải chuẩn bị thật tốt về mọi thứ trước khi mang bầu để có một thai kỳ khỏe mạnh cho cả mẹ và bé.
Bạn đã bao giờ có ý định lên kế hoạch chuẩn bị mang thai lần 3 cho gia đình càng thêm đông vui chưa? Nếu có thì đừng bỏ qua những thông tin trong bài viết dưới đây nhé. Mọi kiến thức được viết ở đây sẽ góp phần giúp các chị em phụ nữ có một giai đoạn trước và trong khi mang thai hoàn toàn khỏe mạnh.
Các câu hỏi cần đặt cho chính bản thân mình trước khi chuẩn bị mang thai lần 3
Trước khi lên kế hoạch chuẩn bị mang thai lần 3, bạn hãy cùng chồng ngồi lại với nhau để trả lời các câu hỏi dưới đây xem liệu quyết định một lần nữa được làm cha, làm mẹ của mình có chính xác không nhé.
Câu hỏi 1: Bạn có thực sự muốn mang thai lần nữa hay không?
Nếu cả hai vợ chồng đều trả lời là có thì còn đắn đo gì nữa mà không bắt tay ngay vào việc thực hiện kế hoạch mang thai lần 3. Nếu một người trả lời Có, một người trả lời Không thì hai bạn nên nói rõ quan điểm của chính bản thân mình để làm sao đưa ra được đáp án thống nhất nhất.
Câu hỏi 2: Hai đứa con đầu của bạn đã đủ “ổn” chưa?
Các cặp đôi chỉ nên lên kế hoạch mang thai cho lần tiếp theo khi các bé lớn của mình đã gọi là tạm “ổn” hay tạm trưởng thành. Điều đó có nghĩa là hai bé lớn đã đi học, đã có thể sống tự lập, biết cách chăm sóc lẫn nhau và không còn nhõng nhẽo đòi mẹ như trước. Chỉ khi hai bé lớn đã “trưởng thành” mẹ mới có thể yên tâm dành thời gian chăm lo cho bé thứ 3.
Câu hỏi 3: Gia đình bạn có đủ điều kiện kinh tế tài chính để nuôi 3 con không?
Nuôi 2 đứa trẻ đã tốn thì đương nhiên nuôi 3 đứa trẻ sẽ càng tốn hơn rất nhiều. Khi ấy mọi khoản chi phí sinh hoạt gồm ăn uống, đồ dùng cho trẻ, tiền ăn học sẽ bị nhân lên cấp 3. Do đó nếu gia đình bạn có thể đảm bảo ổn định vấn đề tài chính thì hãy sinh thêm bé, còn nếu không thì chúng tôi khuyên bạn nên dừng lại ở 2 bé.
Câu hỏi 4: Công việc của bạn và chồng có nguy cơ gặp rắc rối gì không nếu bạn mang thai bé thứ 3?
Hiện nay theo kế hoạch hóa gia đình ở nước ta, mỗi gia đình chỉ nên dừng lại ở 2 con để nuôi và dạy cho tốt. Tuy nhiên nhiều người vẫn “vỡ kế hoạch” và sinh con thứ 3. Thế nhưng nếu bạn nằm trong diện những người làm trong môi trường hoặc giữ chức vị, danh hiệu buộc phải thực hiện chính sách 2 con thì không còn cách nào khác là phải tuân thủ theo.
Những điều cần phải nhớ khi chuẩn bị mang thai lần 3
Ngoại trừ trường hợp mang thai ngoài ý muốn, còn nếu bạn đã có kế hoạch để chuẩn bị mang thai lần 3 thì nhất định phải nhớ những điều quan trọng dưới đây. Một số “gạch đầu dòng” này đảm bảo sẽ giúp ích rất nhiều cho các chị em khi quyết định thực hiện nhiệm vụ làm mẹ một lần nữa vì thế đừng bỏ qua nhé.
Không quên khám tiền thai sản
Cho dù bạn mang thai lần đầu, lần 2 hay lần 3 thì nhất định không thể quên việc khám tiền thai sản. Đây là một trong những điều quan trọng nhất định phải thực hiện trước mỗi lần mang thai để đảm bảo sức khỏe cho vợ chồng, từ đó giúp bạn có một thai kỳ khỏe mạnh và tạo nền tảng cho sự phát triển toàn diện của bé yêu.
Ở lần khám tiền sản thứ 3, bạn đừng quên cung cấp cho bác sĩ các thông tin quan trọng chẳng hạn như tình trạng bệnh lý đã mắc, các vấn đề gặp phải trong hai lần mang thai trước đó, vấn đề sức khỏe hiện tại của hai vợ chồng… để họ có thể nắm được sơ qua về sức khỏe của bạn.
Giống như hai lần kiểm tra trước đó, bạn sẽ được tiến hành khám tổng quát, khám phụ khoa, siêu âm vùng bụng, xét nghiệm máu, xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung hoặc một số bệnh dễ lây nhiễm như rubella, giang mai… Nếu mọi kết quả kiểm tra cho ra chỉ số bình thường, ổn định thì bạn hoàn toàn có thể yên tâm mang thai.
Tuy nhiên, nếu phát hiện ra bệnh lý hoặc triệu chứng bất thường, bác sĩ sẽ dựa trên tình trạng sức khỏe hiện tại kết hợp với các số liệu, thông tin về hai lần mang thai trước đó để có hướng điều trị. Do đó, trước khi chuẩn bị mang thai lần 3, bạn và chồng nên đến bệnh viện hoặc các phòng khám uy tín để thực hiện các bài kiểm tra cần thiết.
Chú ý chế độ dinh dưỡng
Giống như hai lần mang thai trước đó, ở lần mang thai này các cặp vợ chồng cũng không được phép xem nhẹ vấn đề dinh dưỡng – yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công của quá trình thụ thai, mang thai và sinh con.
Chính vì đã có kinh nghiệm mang thai 2 lần nên chắc hẳn các mẹ sẽ biết rõ khi mang thai nên ăn gì và không mang gì để tốt cho cả mẹ lẫn con. Những thực phẩm quan trọng mẹ cần bổ sung trong và trước khi mang thai, thậm chí là sau khi sinh đó là:
- Thực phẩm giàu canxi:Cua biển, hàu, sữa, tôm đồng, cải xoăn, bông cải xanh, rau bina, khoai lang, chuối, mận khô, cam, hạnh nhân, đậu phụ…
- Thực phẩm giàu sắt: Bí ngô, thịt bò, thịt nạc, lòng đỏ trứng gà, mía, chuối, các loại hạt, cháo bột yến mạch, súp lơ xanh, mật ong, rau bina, nước cam…
- Thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất: Cà rốt, đu đủ chín, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa, dưa hấu, cá hồi…
- Thực phẩm giàu axit folic: Bông cải xanh, măng tây, cải bó xôi, trứng, hạt hướng dương, đậu phộng, quả bơ, gan, các loại quả mọng (dây, việt quất…), khoai tây…
Chuẩn bị mang thai lần 3: Tiêm phòng trước khi mang thai
Tiêm phòng trước khi mang thai là một trong những điều quan trọng cần làm để tránh cho mẹ và thai nhi gặp phải các vấn đề không hay trong quá trình mang thai. Thông thường các mũi vắc xin được khuyến cáo tiêm là cúm; mũi tiêm phòng ngừa thủy đậu, uốn ván; tiêm phòng viêm gan b trước khi mang thai; tiêm phòng rubella trước khi mang thai; vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung (tiêm trước 25 tuổi).
Ở lần mang thai thứ 3, bạn không nên tự ý đi tiêm phòng mà không có lời khuyên, tư vấn và sự chỉ định của bác sĩ. Nếu hai lần mang thai trước đó bạn chưa thực hiện nghiêm ngặt việc tiêm phòng trước khi mang thai thì ở lần mang thai này, nhất định bạn sẽ được bác sĩ nhắc nhở tiêm phòng đầy đủ.
Lựa chọn bệnh viện chất lượng
Càng mang thai nhiều thì nguy cơ mẹ bầu gặp phải rủi ro sẽ càng lớn chính vì thế mẹ cần chú ý chọn lựa bệnh viện cũng như các bác sĩ thực hiện ca sinh một cách cẩn thận, thậm chí còn phải cẩn thận hơn 2 lần trước.
Nếu bệnh viện bạn chọn lựa cho 2 lần sinh trước đảm bảo mọi mặt về kỹ thuật, trình độ bác sĩ thì hãy yên tâm tiếp tục sinh tại đó. Còn nếu không thì bạn nên cùng chồng tìm kiếm một bệnh viện khác để thay thế.
Chuẩn bị mang thai lần 3: Thường xuyên theo dõi cơ thể
Khi mang thai lần 3, bạn cần phải hình thành thói quen theo dõi cơ thể thường xuyên. Nếu thấy bất kỳ một vấn đề bất thường nào, chẳng hạn như chảy máu âm đạo, đau ở vết mổ cũ, tình trạng ốm nghén khác thường, đau mỏi lưng quá mức… thì nên đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế kiểm tra ngay lập tức.
Những rủi ro mẹ có thể gặp phải khi mang thai lần 3
Có lẽ đối với nhiều người, một lần nữa được mang thai sẽ giúp họ sống lại khoảnh khắc bồi hồi, lo lắng đan xen với những cảm xúc vui mừng khôn xiết như lần đầu được “lên chức”.
Thế nhưng, những chị em phụ nữ nào quyết định chuẩn bị mang thai lần 3 cần biết rằng nguy cơ gặp rủi ro ở lần mang thai này sẽ cao hơn rất nhiều so với các lần trước. Nó có thể dẫn đến một số hệ lụy như:
Giảm tuổi thọ
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports dó nhóm chuyên gia tại Đại học Northwestern (Mỹ) thực hiện, sau mỗi lần sinh đẻ, mức độ lão hóa của chị em phụ nữ sẽ bị đẩy nhanh hơn bình thường. Điều đó có nghĩa là phụ nữ càng sinh nhiều con thì tuổi thọ của họ càng giảm.
Trưởng nhóm nghiên cứu là ông Calen Ryan cho biết sau mỗi lần mang thai, hệ miễn dịch của người mẹ sẽ thay đổi theo chiều hướng tiêu cực và nguy cơ lây nhiễm bệnh ngày càng cao. Theo các nhà nghiên cứu, vấn đề này có thể liên quan đến sự thay đổi tế trong quá trình mang thai.
Hệ lụy nghiêm trọng khi chuẩn bị mang thai lần 3 sau tuổi 40
Ở tuổi ngoài 40, vấn đề tài chính của gia đình đã ổn định, hai bé lớn cũng có thể gọi là tạm trưởng thành. Lúc này, cuộc sống ở độ tuổi này có thể được coi là thoải mái và an nhàn hơn rất nhiều chính vì thế nhiều người có ý định mang thai thêm một lần nữa cho gia đình càng đông vui.
Bước sang tuổi tứ tuần với hai lần sinh đẻ trước đó, bạn hoàn toàn có thể “vỗ ngực, ngẩng cao đầu” tự hào về kinh nghiệm mang thai của mình. Thế nhưng, trước khi quyết định chuẩn bị mang thai lần 3, phụ nữ trên 40 tuổi cần biết rằng bạn có thể sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro nguy hiểm, điển hình như:
- Sảy thai, thai chết lưu: Theo nhiều nghiên cứu, phụ nữ mang thai ở độ tuổi càng cao thì nguy cơ sảy thai càng lớn. Cụ thể là nếu mang thai lần thứ 3 sau tuổi 40, khả năng sảy thai sẽ lên tới 35%.
- Dị tật thai nhi: Nếu quyết định mang thai lần 3 ở độ tuổi sau 40, bạn cũng cần phải chuẩn bị tâm lý vì đứa trẻ có nguy cơ bị mắc các dị tật bẩm sinh. Điển hình là sinh con sau tuổi 40, nguy cơ trẻ bị hội chứng Down là 1/200 – tỷ lệ rất cao so với 1/700 ở phụ nữ tuổi từ 35 đến 39. Các vấn đề bất thường nhiễm sắc thể của thai nhi dễ xảy ra hơn bình thường.
- Trẻ sinh non, nhẹ cân: Mang thai ở tuổi ngoài tứ tuần, sức khỏe sản phụ sẽ không được tốt như trước đây, chính vì thế nguy cơ sinh non sẽ là rất cao.
- Mang thai ngoài tử cung: Theo các chuyên gia khoa sản, phụ nữ mang thai trên 35 tuổi có nguy cơ cao bị mang thai ngoài tử cung cao gấp 4 đến 8 lần so với phụ nữ trẻ.
- Tiểu đường thai kỳ: Bạn sẽ có nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ cao gấp 3 đến 6 lần so với phụ nữ trẻ nếu mang thai lần 3 ngoài tuổi 40. Vấn đề này sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người mẹ lẫn thai nhi.
- Huyết áp cao khi mang thai: Đây là một tình trạng nghiêm trọng có thể dẫn đến tiền sản giật.
- Gặp khó khăn khi sinh nở: Có một sự thật hiển nhiên rằng sinh đẻ ở tuổi càng cao thì càng gặp nhiều khó khăn trong lúc sinh đẻ. Quá trình chuyển dạ có thể sẽ kéo dài, chảy máu nhiều hơn và mất nhiều thời gian để phục hồi hơn so với người sinh đẻ khi còn trẻ.
- Băng huyết sau sinh: Hiện tượng này sẽ có nguy cơ cao xuất hiện ở những phụ nữ mang thai nhiều lần do tử cung không co hồi tốt.
Trên đây là một số rủi ro mà mẹ bầu có thể gặp phải khi quyết định mang thai lần 3. Tuy nhiên các mẹ đừng quá lo lắng vì không phải mẹ bầu nào cũng gặp những tình huống oái oăm đó.
Mọi thứ tùy thuộc rất nhiều vào tình trạng sức khỏe của người mẹ chính vì thế nếu bạn còn khỏe mạnh thì yên tâm là quá trình mang thai suốt 9 tháng 10 ngày sẽ không có vấn đề gì đáng lo ngại đâu. Hãy bồi bổ thật tốt và không quên đi khám sức khỏe định kỳ mọi người nhé.
Chuẩn bị mang thai lần 3: Nên sinh thường hay sinh mổ?
Ở lần sinh con thứ 3, mẹ bầu cần phải tuân thủ nghiêm ngặt mọi lời khuyên, tư vấn của bác sĩ. Lúc này vấn đề sinh thường hay sinh mổ nên để bác sĩ quyết định vì họ sẽ căn cứ vào mọi chỉ số sức khỏe của người mẹ lẫn thai nhi để đưa ra phương án lựa chọn tốt nhất.
Nếu hai lần trước đó mẹ đều sinh thường và hiện tại ở lần thứ 3, sức khỏe thai phụ và em bé đều tốt, không hề có bất cứ một biến chứng nguy hiểm nào thì mẹ hoàn toàn có thể đề nghị bác sĩ được sinh thường. Ngược lại, nếu trong các lần kiểm tra sức khỏe, bác sĩ phát hiện có dấu hiệu bất thường hoặc đến ngày cận sinh, sức khỏe người mẹ giảm sút thì ngay lập tức sẽ được chỉ định sinh mổ.
Còn đối với những phụ nữ đã từng sinh mổ 2 lần trước đó thì ở lần sinh thứ 3, không còn cách nào khác, để đảm bảo an toàn, mọi người sẽ chỉ có một sự lựa chọn duy nhất là tiếp tục sinh mổ. Tuy nhiên, khi tiến hành sinh mổ đến lần thứ 3, các thai phụ cần phải biết rõ việc sinh mổ liên tiếp nhiều lần có thể dẫn đến nhiều nguy hiểm. Do đó, khi chuẩn bị mang thai lần 3 các mẹ cần suy nghĩ về vấn đề này và hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi mang bầu.
Ngoài các vấn đề về tai biến của gây tê, gây mê, nhiễm trùng thì nguy cơ bị tổn thương các tạng trong ổ bụng sẽ rất cao. Bên cạnh đó, ở những thai phụ đã từng sinh mổ, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, bác sĩ khuyến cáo các đối tượng này chỉ nên mang thai tối đa là 3 hoặc 4 lần. Sau đó, bạn sẽ được tư vấn thắt vòi tử cung để tránh thụ thai.
Sinh mổ càng nhiều lần, mẹ càng có nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng như nứt vỡ tử cung, nhau tiền đạo hay các biến chứng sau sinh như viêm dính tử cung, đau nhức vết mổ, dính ruột…
Những đối tượng không nên mang thai lần 3
Không phải ai muốn sinh nhiều con cũng được, nó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như sức khỏe, vấn đề tài chính, tuổi tác. Do đó nếu bạn thuộc các trường hợp sau thì nên dừng ngay ý định thực hiện kế hoạch chuẩn bị mang thai lần 3 để tránh gặp nguy hiểm.
- Mẹ bầu ngoài 45 tuổi: Ở độ tuổi này, quá trình lão hóa của chị em phụ nữ diễn ra nhanh chóng. Đồng thời trải qua 2 lần sinh đẻ trước đó, hệ miễn dịch, sức khỏe của mọi người cũng giảm sút đi rất nhiều, chính vì thế nếu tiếp tục mang thai thì khả năng gặp phải rủi ro, biến chứng cho cả mẹ và thai nhi là rất cao.
- Cả hai lần trước đó đều sinh non: Theo các chuyên gia khoa sản, nếu hai lần trước đó mẹ bầu đều sinh non thì ở lần thứ 3, lịch sử lặp lại là rất cao, từ 25-50%. Do đó, mẹ nên xem xét việc ngừng mang thai, bởi lẽ một đứa trẻ chịu cảnh sinh thiếu tháng sẽ đối mặt với rất nhiều sự thiệt thòi chẳng hạn như thính giác, tiêu hóa, hô hấp… đều không tốt.
- Mẹ bị đái tháo đường, huyết áp cao: Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ bầu, tiểu đường hay huyết áp cao đều được xem là những mối nguy đối sự phát triển của thai nhi.
- Mẹ bị bệnh tim: Phụ nữ bị bệnh tim không nên mang thai và sinh con quá nhiều lần. Được biết, khi mang thai, tim thai phụ phải thực hiện hoạt động co bóp nhiều hơn để đưa máu, oxy nuôi thai nhi, từ đó làm tăng gánh nặng cho tim. Đặc biệt, trong 3 tháng cuối, nếu không được giám sát chặt chẽ, bệnh tim sẽ càng nặng và nguy cơ sảy thai, sinh non sẽ rất cao.
- Vợ chồng uống quá nhiều thuốc: Nếu sau hai lần sinh con, cơ thể vợ chồng yếu đi hoặc không may mắc bệnh và phải uống quá nhiều thuốc kháng sinh, thuốc Tây để điều trị bệnh thì nên dừng kế hoạch sinh con tiếp để tránh cho thai nhi gặp phải những biến chứng không mong muốn.
Với những thông tin quan trọng mẹ bầu cần biết trước khi quyết định lên kế hoạch chuẩn bị mang thai lần 3 ở trên, chúng tôi chúc các mẹ sớm có tin vui và sẽ có một thai kỳ hoàn toàn khỏe mạnh.