Chuẩn bị mang thai lần 2: 6 điều mẹ không nên bỏ qua
Chuẩn bị mang thai lần 2 đối với mẹ có lẽ không còn bỡ ngỡ như lần đầu, tuy nhiên chị em vẫn cần phải trang bị tốt những điều dưới đây để đảm bảo quá trình thụ thai, mang thai, sinh con diễn ra thuận lợi và suôn sẻ nhất. Tất cả kiến thức gói gọn trong 6 điều quan trọng, các mẹ hãy ghi nhớ thật kỹ nhé.
Qua lần mang thai đầu, chắc hẳn các cặp vợ chồng đã tích lũy được cho mình không ít kinh nghiệm thế nhưng nhiều người lại nói rằng mỗi lần mang thai lại là một trải nghiệm mới mẻ và không hoàn toàn giống nhau. Vậy để chuẩn bị mang thai lần 2, các mẹ cần phải làm những gì?
Sau lần sinh thứ nhất thì cần “hoãn” bao lâu mới chuẩn bị mang thai lần 2?
Không ít bố mẹ sau khi sinh con lần đầu lại muốn tiếp tục làm “nhiệm vụ” ngay. Vì nghĩ rằng nếu các con sinh liền nhau, bố mẹ sẽ “tiện” một thể chăm sóc. Thế nhưng, việc mang thai ngay sau khi sinh lần đầu khoảng vài tháng sẽ khiến cả cơ thể người mẹ lẫn đứa trẻ chịu những hệ lụy nghiêm trọng.
Theo các chuyên gia y tế, sau lần sinh đầu tiên, dù sinh thường hay sinh mổ thì cơ thể người mẹ cũng cần một khoảng thời gian nhất định để phục hồi. Nếu mẹ sinh mổ và lại tiếp tục mang thai ngay sau đó thì nguy cơ rách vết mổ hay bị nhiễm trùng tử cung là rất cao.
Đặc biệt, nếu mang thai khi cơ thể người mẹ chưa được phục hồi hoàn toàn thì nguy cơ đứa trẻ tiếp theo sẽ bị sinh non, nhẹ cân hoặc có thể gặp phải nhiều rủi ro khác. Vậy con mấy tuổi thì mẹ chuẩn bị mang thai lần 2 là chuẩn?
Có nên sinh con cách nhau 2 năm?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng cách giữa các lần mang thai tốt nhất là nên từ 2 năm. Lý giải về vấn đề này, các chuyên gia cho biết 2 năm là khoảng thời gian thích hợp đủ để các mẹ hồi phục hoàn toàn sau lần sinh con đầu tiên. Bên cạnh đó, sinh con vào thời điểm này, mẹ có thể tận dụng tốt các vật dụng trẻ em của bé đầu cho bé thứ 2.
Tuy nhiên nếu khoảng cách là 2 năm, trước khi chuẩn bị mang thai lần 2, bố mẹ cần làm công tác tư tưởng thật tốt cho bé đầu để con không cảm thấy tủi thân, ghen tị khi thấy mẹ dành gần như toàn bộ thời gian cho em của mình.
Sinh con cách nhau 3 năm
Khi bé đầu tiên bước sang tuổi thứ 3, bé hoàn toàn có thể tự lập và không “dính” mẹ 24/24h như trước đây nữa. Đồng thời, ở độ tuổi này, bé đã biết nhận thức và sẽ phần nào cảm thấy vui vẻ, hưng phấn khi biết mình chuẩn bị có em. Sinh con cách nhau 3 năm, các mẹ hoàn toàn có thể “nhờ cậy” bé lớn làm số việc đơn giản như nhờ con lấy bình sữa hoặc ngồi chơi cùng em.
Sinh con cách nhau 4-5 năm có tốt không?
Nhiều gia đình muốn dành thời gian chăm lo thật tốt cho bé đầu tiên nên hoãn việc sinh lần 2 đến tận 4-5 năm hoặc thậm chí là lâu hơn thế nữa. Bé lớn lúc này đã cứng cáp và có thể giúp mẹ trông em vì thế mẹ sẽ bớt được mệt mỏi cũng như căng thẳng.
Tuy nhiên, chị em phụ nữ cần lưu ý rằng khoảng cách sinh đẻ giữa 2 lần càng xa thì nguy cơ mẹ bị tiền sản giật, sinh non, sinh thiếu tháng ở lần 2 sẽ rất cao. Do đó, để chuẩn bị trước khi mang thai lần 2 một cách thuận lợi nhất, bạn cần đảm bảo tốt vấn đề sức khỏe và thường xuyên đi bệnh viện kiểm tra để tránh gặp rủi ro.
Vợ chồng cần chuẩn bị gì trước khi mang thai lần 2?
Sau khi bé thứ nhất cứng cáp và đã “có tuổi”, các cặp vợ chồng bắt đầu tính đến chuyện sinh thêm con cho vui cửa vui nhà, cho các con có bạn cùng chơi. Nói đến công tác chuẩn bị trước khi mang thai lần 2, nhiều người bắt đầu chủ quan vì nghĩ rằng mình đã có kinh nghiệm nên không cần phải chuẩn bị gì nhiều, thế nhưng thực tế không phải như vậy.
Dù có mang thai lần 2 hay lần 3, mọi người vẫn cần phải trang bị tốt những điều dưới đây để đảm bảo quá trình thụ thai, mang thai, sinh con diễn ra thuận lợi và suôn sẻ nhất. Các cặp bố mẹ cần lưu ý 5 vấn đề dưới đây để chuẩn bị mang thai lần 2:
Kiểm tra sức khỏe tiền thai sản
Cũng giống như lần mang thai đầu tiên, các cặp vợ chồng vẫn cần phải thực hiện kiểm tra sức khỏe tiền thai sản. Bạn không được bỏ qua bước quan trọng này và đừng nghĩ rằng lần mang thai đầu đã thành công thì lần 2 cũng sẽ như vậy.
Hãy nhớ sau lần sinh đầu, sức khỏe cũng như sức đề kháng của mẹ sẽ kém đi nên khả năng phát hiện bệnh và bị nhiễm trùng là rất cao. Vì thế bố mẹ không nên chủ quan.
Nếu mẹ nào không may bị tiền sản giật, nhau tiền đạo, sinh non… trong lần đầu tiên thì hãy thẳng thắn chia sẻ vấn đề với bác sĩ để nhận được những lời khuyên tốt nhất.
Tiêm phòng trước khi mang thai
Trong các danh sách cần chuẩn bị trước khi mang thai lần 2, các mẹ không thể quên việc tiêm phòng. Việc tiêm phòng lần này sẽ rất khác so với lần đầu vì nó còn phụ thuộc vấn đề bạn đã từng tiêm hay chưa hoặc khoảng thời gian tiêm cách đây mấy năm.
Theo các chuyên gia, nếu bạn đã tiêm vắc xin phòng rubella rồi thì không cần phải tiêm lại nữa trong lần mang thai thứ 2. Nếu trong lần mang thai đầu, bạn chưa tiêm thì nên sắp xếp lịch đi tiêm phòng trước khi mang thai khoảng 3 tháng. Bên cạnh đó, nếu mẹ nào chưa tiêm thì nên tiêm đủ mũi 3 trong 1 gồm sởi, rubella, quai bị trước khi mang thai 3 tháng.
Chung quy lại, mẹ cần đến bệnh viện hoặc các phòng khám uy tín để nhận được sự tư vấn của bác sĩ. Nếu được thông báo cần phải tiêm phòng thì mẹ hãy cố gắng tuân thủ theo và thực hiện theo đúng lịch của bác sĩ nhé.
Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để chuẩn bị mang thai lần 2
Giống như lần mang thai đầu, lần mang thai thứ 2 mẹ cũng cần phải đặc biệt lưu tâm đến vấn đề dinh dưỡng. Mang thai cần ăn gì, không nên ăn gì để mẹ và thai nhi khỏe mạnh là kiến thức quan trọng mẹ cần “lục” lại trí nhớ xem lần trước mình đã thực hiện ra sao.
Một lần nữa hãy lên danh sách cẩn thận các thực phẩm tốt cho sức khỏe, giúp thụ thai nhanh và các thực đơn dành cho bà bầu để có sự bổ sung hợp lý.
Bên cạnh chế độ ăn uống, vợ chồng cũng cần nghỉ ngơi hợp lý và tránh sử dụng các chất kích thích như bia rượu, thuốc lá, cà phê. Đặc biệt, vợ chồng không nên thức khuya và làm việc quá sức nhé.
Cân nhắc về tài chính, công việc trước khi chuẩn bị mang bầu lần 2
Nếu có ai đó hỏi bạn: “Cần chuẩn bị gì trước khi mang thai lần 2?” thì đừng quên trả lời họ rằng: “Tài chính cũng là yếu tố quan trọng và bạn không được bỏ qua”.
Sinh con thứ 2, đồng nghĩa với việc số tiền bạn phải chi tiêu trong gia đình từ khoản ăn uống, quần áo, tiền học… cho con sẽ tăng lên theo cấp số nhân. Vì thế đừng vội vàng “rủ” chồng sinh con thứ 2 khi chưa chuẩn bị thật tốt về mặt tài chính nhé.
Chuẩn bị tâm lý cho chính bản thân mình
Để chuẩn bị mang bầu lần 2 thật tốt, các mẹ cần dành thời gian ổn định tâm lý của chính mình. Bởi lẽ khi có một thiên thần khác chào đời, bạn sẽ vất vả, mệt mỏi và nhiều thứ phải lo toan hơn.
Đồng thời, thời gian dành cho chính bản thân mình cũng không còn nhiều như trước, thay vào đó bạn sẽ chỉ quanh quẩn bên các con, chăm lo cho đứa lớn rồi lại đến đứa nhỏ. Do đó, hãy chắc bản thân mình thực sự mong muốn mang thai ở thời điểm đó, đồng thời tâm lý và tinh thân đã sẵn sàng thì mới quyết định mang thai lần 2.
Làm tốt vấn đề tâm lý cho bé đầu tiên trước khi chuẩn bị mang thai lần 2
Theo thống kê trên thế giới có không ít trường hợp trẻ bị tự kỷ khi mẹ sinh em bé. Bé sẽ sinh ra ghét bỏ em khi thấy em dành trọn sự chú ý của bố mẹ. Thậm chí ở Trung Quốc, một bé gái 8 tuổi đã ném em trai 2 tháng tuổi từ tầng 8 xuống đất vì cho rằng mẹ có em bé nên không thương mình nữa.
Do đó trước khi chuẩn bị mang thai lần 2, mẹ cần phải làm công tác chuẩn bị tâm lý thật tốt cho bé đầu tiên để bé không cảm thấy hụt hẫng, đừng để bé bị ám ảnh bởi câu nói “cho con ra rìa”. Tốt nhất khoảng cách giữa 2 lần sinh nở không quá gần.
Theo các chuyên gia, ngay từ khi có ý định mang thai lần 2, mẹ cần phải tìm cách nói chuyện để gợi mở cho con về vấn đề này. Chẳng hạn như mẹ có thể thường xuyên đưa con đến chơi ở các gia đình có em bé mới chào đời hoặc cho bé xem những cảnh phim chiếu cảnh anh chị em chơi đùa cùng nhau… để từ đó hỏi dò việc trẻ có muốn có em trai/gái hay không.
Bên cạnh đó, trong suốt quá trình mang thai, mẹ nên để con lớn giao tiếp với thai nhi để giúp gắn kết tình cảm giữa các con. Khi con thứ 2 chào đời, mẹ đừng quên dành thời gian cho con lớn, đừng mắng chửi hay tỏ thái độ không quan tâm đến bé. Người lớn đừng bao giờ buột miệng nói rằng: “Mẹ không thương con nữa”, “Mẹ có em rồi nên không cần con”… vì nó có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.
Mang thai lần 2 nên chọn phương pháp sinh nào?
Với những chị em chọn phương pháp sinh thường trong lần đầu tiên thường có xu hướng sợ sinh con tiếp theo bởi những cơn đau “cắt da cắt thịt” không gì có thể diễn ra nổi đã ăn sâu vào tâm trí của họ.
Tuy nhiên, nếu đã sinh thường được lần một thì tốt nhất bạn nên tiếp tục lựa chọn phương pháp này và yên tâm rằng sinh con rạ thường không còn quá đau như lần đầu. Không những vậy, quá trình chuyển dạ và sinh trong lần 2 cũng ra nhanh hơn nên các mẹ không cần phải quá sợ hãi nhé.
Với những chị em sinh mổ trong lần đầu thì nguy cơ tiếp tục phải sinh mổ trong lần tiếp theo là rất cao. Giống như những ca phẫu thuật khác, đẻ mổ vốn nguy hiểm cho mẹ bầu lẫn thai nhi và sinh mổ lần 2 lại càng ẩn chứa nhiều rủi ro khác, chẳng hạn như tai biến của gây tê, gây mê, nguy cơ chảy máu, nguy cơ tổn thương các tạng trong ổ bụng…
Việc lựa chọn phương pháp sinh thường hay sinh mổ không thể do một mình thai phụ quyết định, nó còn phụ thuộc rất lớn vào tình trạng sức khỏe cũng như ý kiến của bác sĩ. Tuy nhiên một số trường hợp thai phụ có bệnh lý về tim mạch, khung chậu méo, khung chậu lệch, tiền sản giật nặng, tiểu đường thai kỳ… thì sẽ được chỉ định sinh mổ.
Sự khác biệt khi sinh con thứ 2 so với sinh con đầu là gì?
Mỗi lần mang thai, người chịu đau đớn, vất vả nhất chỉ có duy nhất người mẹ. Mẹ sẵn sàng hy sinh thân hình, thời gian, nhan sắc và tuổi trẻ của mình để chăm lo cho con cái mà chẳng đòi hỏi sự đền đáp gì cả. Mỗi lần mang thai, mẹ lại có những cung bậc cảm xúc khác nhau, đồng thời cuộc sống của mẹ cũng thay đổi không ít. Vậy sự khác nhau giữa lần sinh con đầu và con thứ 2 là gì?
- Sự hồi hộp, lo lắng:
Nếu như lúc chuẩn bị mang thai lần đầu mẹ hồi hộp và lo lắng rất nhiều thì ở lần tiếp theo sự hồi hộp đã giảm đi rất nhiều bởi lúc này mẹ đã là người từng trải. Kể cả lúc mang thai và lúc sinh, mẹ cũng bình tĩnh hơn rất nhiều.
Trong lần đầu, chỉ cần xuất hiện một vấn đề bất thường trong thai kỳ, mẹ sẽ vội vàng đi bệnh viện kiểm tra nhưng đến lần 2, mẹ sẽ bình tĩnh và có thể tự xử lý được vấn đề đó.
- Tài liệu hướng dẫn:
Trong lần mang thai đầu, mẹ “điên cuồng” lên mạng tìm kiếm thông tin hoặc hỏi han những người có kinh nghiệm với hy vọng sẽ thu được thật nhiều kiến thức bổ ích giúp quá trình mang thai diễn ra tốt đẹp nhất.
Thế nhưng bước vào giai đoạn chuẩn bị trước khi mang thai lần 2, mẹ sẽ chẳng cần đi lục tìm quá nhiều tài liệu vì mẹ đã kinh nghiệm, đã biết nên làm gì và không nên làm gì, biết mang thai nên ăn gì và không nên ăn gì…
- Quan tâm đến giới tính của thai nhi nhiều hơn:
Nếu con đầu là bé trai hoặc gái thì chắc hẳn trong lần mang thai tiếp theo, mọi người sẽ rất tò mò muốn biết giới tính của con với hy vọng gia đình sẽ có “đủ nếp đủ tẻ”.
- Quá trình chuyển dạ nhanh hơn:
Thông thường khi sinh con so, quá trình chuyển dạ của mẹ sẽ diễn ra lâu hơn nhưng mẹ hãy yên tâm đi, lần 2 sẽ khác vì mọi việc dường như diễn ra nhanh chóng và suôn sẻ hơn rất nhiều.
Sau khi sinh bé thứ 2 có nên tiếp tục mang thai tiếp không?
“Có nên sinh con thứ 3 hay không?” là câu hỏi thắc mắc của không ít các bậc phụ huynh. Dẫu biết gia đình càng đông con, đông cháu thì càng vui nhưng mọi người cần phải cân nhắc rất nhiều trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Bạn chỉ thực sự nên sinh con thứ 3 nếu có đầy đủ các yếu tố dưới đây:
– Điều kiện sức khỏe tốt: Nếu sức khỏe tốt, độ tuổi sinh đẻ không quá cao thì các bác sĩ vẫn có thể cho phép bạn mang thai tuy nhiên nếu đã ngoài 40 tuổi, đồng thời cơ thể có nhiều bệnh lý thì nên gạt bỏ ngay ý định này đi.
– Điều kiện kinh tế tốt: Hãy cùng chồng kiểm kê lại tài chính của gia đình, nếu nhận thấy mình hoàn toàn có thể chăm lo tốt được cho các con thì việc sinh con tiếp theo sẽ chẳng gì cần phải bàn cãi.
– Công việc rảnh rỗi có thể chăm lo được cho các con: Thêm một đứa trẻ chào đời, điều đó đồng nghĩa với việc mẹ phải cân bằng lại thời gian dành cho bản thân, cho chồng và các con. Nếu bạn có nhiều thời gian rảnh và đảm bảo có thể chăm lo được các con thì hãy tính đến việc sinh tiếp.
– Hai con đầu đã lớn và hiểu chuyện: Nếu các con đã đi học, đã có thể tự lập và hiểu chuyện thì vợ chồng hoàn toàn có thể sinh con tiếp theo mà không lo vướng bận 2 bé trước đó.
Trên đây là những thông tin quan trọng chúng tôi muốn cung cấp đến những ai đang trong quá trình chuẩn bị mang thai lần 2. Hy vọng với vốn kiến thức này, mọi người sẽ chuẩn bị thật tốt cho lần mang thai tiếp theo.